Hai sự kiện của Thủ tướng Phạm Minh Chính với doanh nghiệp tại Singapore ngày 10-2 cho thấy sự quan tâm của tư nhân đối với thị trường Việt Nam, đặc biệt trong ngành năng lượng và cung cấp tài chính xanh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ về những tiềm năng của Việt Nam tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Singapore ngày 10-2 - Ảnh: DUY LINH
Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Singapore tại khách sạn Shangri-La (Singapore) không còn chỗ trống vì số khách đến đông vượt quá 500 người dự kiến.
Cần nguồn lực lớn
Người đứng đầu Chính phủ cũng tận dụng cả giờ ăn trưa để tổ chức một cuộc gặp với đại diện các quỹ đầu tư Singapore và quốc tế, các công ty năng lượng trước khi rời Singapore.
Nhiều tên tuổi lớn trong lĩnh vực đầu tư, quản lý hàng ngàn đến chục ngàn tỉ USD, như BlackRock, Carlyle Singapore Investment Advisors, EQT Partners, Bain Capital, CDPQ Singapore... đã tham dự cuộc ăn trưa với Thủ tướng.
Chia sẻ tại cuộc ăn trưa, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam hướng đến phát triển một nền kinh tế bền vững dựa trên ba trụ cột là kinh tế, xã hội và môi trường. Ông khẳng định Việt Nam không tăng trưởng bằng mọi giá mà đặt con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu quan trọng nhất cho mọi chính sách phát triển.
Dù là một nước đang phát triển với nguồn lực còn hạn chế, Việt Nam đã quyết tâm là một trong những quốc gia đầu tiên đưa ra cam kết tại COP26 về phát thải ròng bằng không vào năm 2050. Tuy nhiên, xanh hóa nền kinh tế là chặng đường chuyển đổi tư duy và chính sách toàn diện, cần có lộ trình cụ thể và huy động nguồn lực lớn.
Dẫn số liệu từ Ngân hàng Thế giới, Thủ tướng cho biết từ nay đến năm 2040, Việt Nam cần lượng vốn đầu tư khoảng 370 tỉ USD (tương đương khoảng 6,8% GDP/năm) cho chống chịu với biến đổi khí hậu và khử carbon. Đây là một mục tiêu đầy thách thức nhưng sẽ thực hiện được, nếu có sự quyết tâm chính trị, cùng những chính sách phù hợp và các nguồn lực của bạn bè quốc tế, các doanh nghiệp đa quốc gia, các quỹ đầu tư lớn trên thế giới.
Người đứng đầu Chính phủ khẳng định Việt Nam sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để "các nhà đầu tư nước ngoài cùng chí hướng bước cùng Việt Nam trong chặng đường này".
Thủ tướng mong muốn nhận được sự chia sẻ kinh nghiệm từ phía các quỹ đầu tư và doanh nghiệp trong việc làm thế nào để Việt Nam có thể hấp dẫn nhiều nhà đầu tư tư nhân hơn nữa vào công cuộc chuyển đổi năng lượng.
Thủ tướng cũng đề nghị các quỹ đầu tư và công ty đề xuất với Việt Nam các khung thể chế mới vì mục tiêu tăng trưởng xanh. Ví dụ như việc thành lập một quỹ khí hậu của Việt Nam, kinh nghiệm phát hành trái phiếu xanh, các công cụ để hạn chế và tiến tới triệt tiêu hoàn toàn các hành vi sản xuất/tiêu dùng không thân thiện với môi trường...
Phải có chiến lược phù hợp
Trao đổi với Tuổi Trẻ, nghiên cứu sinh - tiến sĩ Nguyễn Trần Bảo Phương (Trung tâm tài chính xanh Singapore, Đại học Quản lý Singapore - SMU) cho rằng để thu hút nguồn tài chính xanh từ thế giới cho mục tiêu phát thải ròng bằng không, Việt Nam nên xem xét đặt mục tiêu giảm phát thải carbon ở cấp quốc gia và cấp ngành.
Các mục tiêu nên được phát triển tiêu chuẩn quốc tế, được nhiều ngành công nghiệp chấp nhận, chẳng hạn như "Kịch bản không phát thải ròng vào năm 2050" của Cơ quan Năng lượng quốc tế.
Ngoài ra, các mục tiêu cần được xem xét định kỳ để có thể điều chỉnh khi khoa học và dữ liệu phát triển. Doanh nghiệp cần cập nhật tiến độ thực hiện cắt giảm hằng năm để cung cấp dữ liệu kịp thời và chịu trách nhiệm về hành động của mình. Bên cạnh đó, việc xây dựng đội ngũ chuyên gia về đầu tư ESG (bộ tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp) là cần thiết vì họ sẽ hỗ trợ và thúc đẩy tiến trình đầu tư bền vững tại Việt Nam.
"Đầu tư có trách nhiệm xã hội đang thu hút được sự quan tâm của cộng đồng đầu tư quốc tế. Do đó, với các chiến lược phù hợp và quy trình minh bạch, Việt Nam sẽ có thể thu hút đầu tư cho các chiến lược chuyển đổi xanh của mình", bà Phương giải thích.
Các nhà đầu tư luôn tìm kiếm những dữ liệu chất lượng để đánh giá hiệu quả hoạt động của các công ty Việt Nam, cũng như so sánh chúng với các đối tác quốc tế. Vì vậy, Việt Nam nên xem xét yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện báo cáo ESG bắt buộc theo khuôn khổ báo cáo ESG quốc tế, chẳng hạn như Sáng kiến Báo cáo toàn cầu (GRI) hoặc Ủy ban Tiêu chuẩn bền vững quốc tế (ISSB).
Các công ty cũng có thể áp dụng các hệ thống xếp hạng ESG được quốc tế công nhận (ví dụ: Xếp hạng ESG của Tập đoàn MSCI) để cung cấp cho khách hàng sự minh bạch về các hoạt động của doanh nghiệp và trách nhiệm xã hội.
Chuyên gia Bảo Phương, người đang làm nghiên cứu về kinh tế, cho rằng đã tới lúc các doanh nghiệp nên chấm dứt quan điểm đầu tư ESG là một gánh nặng và tốn kém. "Tôi cho rằng ngược lại, đầu tư vào ESG giúp tăng cường tăng trưởng dài hạn và tính bền vững của một doanh nghiệp. Bằng cách tích cực tham gia vào hoạt động đầu tư bền vững, các công ty sẽ có thể mở rộng cộng đồng nhà đầu tư của mình và thu hút vốn cả trong nước và quốc tế", bà Phương nêu lập luận.
Bình luận (0)