Ứng phó với Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon(CBAM), các doanh nghiệp cần có trách nhiệm kiểm kê, báo cáo chi tiết về lượng phát thải cũng như nguồn nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất.
Ngoài việc hoàn thiện cơ chế chính sách về định giá carbon, thì doanh nghiệp cũng chịu áp lực rất lớn để hoàn thiện quy trình sản xuất công nghệ xanh và thực hiện báo cáo về kiểm kê phát thải, nguồn gốc nguyên liệu sản xuất đầu vào của doanh nghiệp. Đó là những chia sẻ của TS. Lê Huy Huấn - Giảng viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tới Diễn đàn Doanh nghiệp.
- Thưa Tiến sĩ đánh thuế carbon có ảnh hưởng như thế nào tới sản lượng xuất khẩu của doanh nghiệp?
Theo kế hoạch, EU sẽ thí điểm CBAM trong giai đoạn 2023 - 2025 với 6 loại mặt hàng bao gồm sắt thép, xi măng, phân bón, nhôm, năng lượng điện và hydrogen. Trong gian đoạn thí điểm này, các doanh nghiệp xuất khẩu vào EU chưa cần trả phí mà chỉ phải kê khai/báo cáo lượng khí thải có trong hàng hóa xuất khẩu của họ. Do vậy, trong ngắn hạn thì thuế carbon của EU có thể chưa tác động ngay, chưa tác động trực tiếp đến hàng hóa của Việt Nam vào EU.
Tuy nhiên, từ 2026 trở đi và trong dài hạn, khi các biện pháp tài chính được áp dụng, các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng hóa trong danh mục chịu thuế sẽ phải trả tiền mua thêm tín chỉ, với giá cả dựa vào giá hàng tuần trên thị trường tín chỉ carbon của EU. Điều này sẽ gây bất lợi về năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp xuất khẩu khi mà chi phí sản xuất cao hơn, giá thành sản phẩm sẽ tăng lên, hạn chế khả năng tiếp cận thị trường châu Âu.
Do đó, tác động của CBAM đến sản lượng xuất khẩu là điều chắc chắn, trước tiên là mặt hàng thép và xi măng do suất phát thải lớn (EU là thị trường nhập khẩu thép lớn thứ 2 của Việt Nam). Theo báo cáo đánh giá tác động của thuế carbon lên 3 quốc gia gồm Việt Nam, Thái Lan và Ấn Độ do World Bank thực hiện vào tháng 5/2021 loại thuế này sẽ làm tăng 36 tỷ USD chi phí mỗi năm của 3 mặt hàng xuất khẩu Việt Nam vào thị trường châu Âu (thép, xi măng và nhôm).
Trên bình diện chung, tác động của thuế carbon đối với sản lượng xuất khẩu phụ thuộc vào một số yếu tố như độ co giãn của cầu hàng hóa, sự sẵn có của hàng hóa thay thế và mức độ mà doanh nghiệp sản xuất có thể chuyển chi phí thuế sang người tiêu dùng. Cũng cần lưu ý rằng, trong tương lai, có thể có nhiều quốc gia tiếp cận theo hướng này và mở rộng sang nhiều mặt hàng khác, nên đây cũng là xu hướng mà các doanh nghiệp cần tính đến từ đầu ngay trong quá trình xây dựng, hoạch định chiến lược sản xuất.
- Với lĩnh vực năng lượng sạch, đánh thuế carbon sẽ ảnh hưởng tới nguồn cung, cũng như giá cả của điện khí LNG, vậy quan điểm của Tiến sĩ về vấn đề này như thế nào?
Chính xác là vậy. Đứng về quan điểm giảm phát thải thì sản xuất điện từ khí tự nhiên hóa hỏng (LNG) sẽ phát thải ít hơn điện than nên việc sử dụng khí LNG để phát điện cũng là phù hợp. Theo Quy hoạch điện VIII, đến hết 2030, tỷ trọng điện khí LNG sẽ chiếm khoảng 15% (22.400 MW) trong tổng cơ cấu nguồn điện. Nhưng với nguồn cung trong nước suy giảm, yêu cầu đặt ra là phải nhập khẩu LNG để bổ sung nguồn, đáp ứng nhu cầu sản xuất điện trong nước. Điều này cũng sẽ đặt ra thách thức cho Việt Nam trong việc làm thế nào để có LNG với giá thành ổn định, phù hợp cho phát triển hệ thống điện. Thực tế, mặc dù sạch hơn than nhưng điện khí LNG vẫn gây ra phát thải khí nhà kính và phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu như đã đề cập, cộng với việc phải chịu thuế carbon thì giá thành sẽ tăng theo xu hướng nguồn cung ngày càng hạn chế. Hy vọng rằng sự phát triển về khoa học công nghệ trong khai thác, sản xuất khí hóa lỏng sẽ giúp giá thành của mặt hàng này có thể giữ ở mức phù hợp để thực hiện được các kế hoạch đã đề ra.
- Vậy doanh nghiệp cần chuẩn bị những kiến thức nào để giảm tác động tiêu cực và nâng cao vị thế năng lực cạnh tranh thưa Tiến sĩ?
Theo quan điểm của tôi, trước tiên, để thích ứng với xu thế chung trên toàn cầu trong đó có CBAM, các lĩnh vực có mặt hàng nằm trong danh mục chịu thuế hay không thì đều phải có được một sự nhận thức rất rõ về các quy định, yêu cầu của thị trường mà doanh nghiệp xuất khẩu. Ví dụ, đối với nhóm hàng hóa phức tạp, để tính thuế suất, EU sẽ tính đến cả lượng phát thải của nguyên liệu đầu vào, vì thế doanh nghiệp cần phải nhận thức được việc sẽ phải có trách nhiệm kiểm kê, báo cáo chi tiết về nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất, vận chuyển và tiêu thụ chứ không chỉ dừng lại ở việc báo cáo phát thải trong quá trình sản xuất.
Thứ hai, nhận thức được rồi thì điều quan trọng là phải hành động. Chẳng hạn như xanh hóa sản xuất là xu hướng bắt buộc thông qua việc chuyển đổi, đầu tư vào các công nghệ/thực hành sản xuất sạch hơn, giảm các chi phí cấu thành nên sản phẩm, đầu tư vào các biện pháp tiết kiệm năng lượng và các nguồn năng lượng tái tạo gồm điện mặt trời và điện gió để giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Điều đó có thể giúp giảm chi phí sản xuất, giảm lượng khí thải carbon trong sản phẩm của doanh nghiệp và tăng khả năng cạnh tranh về lâu dài.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp nói riêng và các bên liên quan nói chung cần hợp tác và đối thoại với EU để đảm bảo CBAM được thực thi theo cách công bằng và bình đẳng; hợp tác với tổ chức chứng nhận thứ ba để xác minh tính chính xác về hàm lượng carbon trong báo cáo của doanh nghiệp Việt Nam.
- Vậy theo Tiến sĩ, chính sách chúng ta sẽ phải điều chỉnh như thế nào để thích ứng với CBAM?
Trước tiên, cần phải nhìn nhận lại thực tế rằng Việt Nam đã gián tiếp đánh thuế carbon qua Thuế bảo vệ môi trường đối với doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia có chung nhận định rằng mức thuế này chưa thực sự phản ánh bản chất của việc định giá carbon.
Theo đó để mở đường cho lộ trình này, Việt Nam cũng đã xây dựng và ban hành những quy định, nghị định về kiểm kê khí nhà kính thể hiện qua các Điều 91, 92 và 139 của Luật Bảo vệ môi trường 2020, Nghị định số 06/2022/NĐ-CP về quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (KNK) và bảo vệ tầng ô dôn, Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải KNK phải thực hiện kiểm kê KNK. Đồng thời, các Bộ, ngành liên quan cũng đang nỗ lực để hoàn thiện Đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam, chuẩn bị cho sự vận hành thí điểm sàn giao dịch carbon vào 2025, vận hành chính thức vào 2028. Điều này cho thấy rằng những chính sách của Việt Nam là đang đi đúng hướng. Đây là lộ trình phù hợp để các doanh nghiệp Việt Nam có thể thích nghi với những thay đổi và xu thế trên thế giới nhằm chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu.
Với việc Liên minh châu Âu đã ban hành Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) và sẽ thực hiện đầy đủ từ 01/2026, theo tôi, để thích ứng với CBAM, các chính sách liên quan của Việt Nam trong thời gian tới phải tiếp tục được hoàn thiện và sớm đưa vào triển khai trong thực tế.
Cụ thể, Chính phủ và Cơ quan quản lý nhà nước cần sớm ban hành hướng dẫn chi tiết, đầy đủ để doanh nghiệp có được nhận thức đẩy đủ về CBAM và có kế hoạch chuẩn bị ứng phó, tăng cường năng lực kỹ thuật và thể chế để thích ứng với CBAM. Đặc biệt cần xem xét ban hành chính sách định giá carbon (áp dụng thuế carbon phù hợp), khẩn trương sớm triển khai vận hành thị trường carbon, cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật, cũng như điều ước quốc tế. Thực hiện được điều này sẽ là cơ sở quan trọng về chính sách định giá carbon, tạo tiền đề để hàng hóa xuất khẩu vào EU có thể được miễn trừ CBAM; hoặc nếu doanh nghiệp có thể chứng minh rằng giá carbon đã được thanh toán trong quá trình sản xuất tại Việt Nam thì số tiền tương ứng này được khấu trừ vào hóa đơn cuối cùng.
Như vậy, việc thực hiện áp dụng định giá carbon và phát triển thị trường carbon trong nước không chỉ có ý nghĩa trong việc tuân thủ các quy định quốc tế mà các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam có thể trả phí carbon, mua chứng chỉ carbon ngay tại trong nước (lượng tiền này sẽ ở lại Việt Nam) thay vì chịu thuế tại EU.
Bên cạnh đó Chính phủ cần xây dựng và ban hành các chính sách tạo động lực, ưu đãi thuế, tín dụng và các chính sách khác đối với các doanh nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ sản xuất xanh, chuyển đổi sang năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; qua đó giúp các doanh nghiệp Việt Nam giữ được lợi thế cạnh tranh xuất khẩu lâu dài vào EU.
- Xin cảm ơn Tiến sĩ!
Phương Thanh!
Bình luận (0)